Ngày đăng  

12/07/2025, 23:01

NỘI DUNG MÔ TẢ

Nếu còn hôn trầm, thùy miên, mà chúng ta cố gắng để giữ được tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, không cho niệm khởi, rồi cho đó là chân lý, thì đó là ức chế, chứ không phải chúng ta có chân lý thật sự hiện ra. Vì tâm chúng ta còn tham, sân, si, mà lại muốn chứng đạt chân lý thì không thể được. Còn tâm chúng ta hết tham, sân, si, thì chân lý hiện tiền, nó hiện ra trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự.
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Tweet

Quý bạn đọc vui lòng chọn định dạng pdf hoặc epub, rồi nhấn nút Đọc ở trên để đọc toàn bộ nội dung tư liệu, hoặc xem trích đoạn như sau:

CHÁNH NIỆM TỈNH THỨC

Trong buổi học hôm nay, Thầy sẽ hướng dẫn các con tập Chánh Niệm Tỉnh Thức. Đây là một bài học quan trọng, phải tu tập như thế nào để tỉnh thức cho được, đẩy lui được hôn trầm, thùy miên, nghĩa là phải chiến thắng được cơn buồn ngủ của mình.

Cho nên, trong sự tu tập, mấy con chuẩn bị để chiến đấu với giặc hôn trầm, thùy miên, mà Thầy thường nói đó là vô minh lậu.

Trong mỗi con người chúng ta đều có ba loại lậu hoặc: dục lậu, hữu lậu, và vô minh lậu. Khi ba lậu hoặc này được đoạn trừ thì chúng ta thành công.

Vì vậy, trong các bài tư duy mà các con viết ra, mục đích chính là triển khai tri kiến để dẹp được dục lậu và hữu lậu. Đồng thời, chúng ta cũng cần cảnh giác với vô minh lậu, nó thường xuất hiện qua trạng thái hôn trầm, thùy miên, lười biếng.

Do cái chỗ muốn tu tập để đạt được kết quả, các con cần nỗ lực phá cho được vô minh lậu. Bắt đầu mình thử sức xem nó như thế nào, mình đi kinh hành ban đêm thấy buồn ngủ, mình tập đi kinh hành giữ đúng giờ giấc. Qua đó, các con sẽ biết phương pháp nào trong bốn cách đi kinh hành là phù hợp nhất với đặc tướng của mình, thì hãy áp dụng pháp đó, luyện tập cho nhuần nhuyễn.

Còn ngoài giờ tu Định Vô Lậu, khi thực hành Chánh Niệm Tĩnh Giác, thì các con phải cố gắng đi kinh hành để rèn luyện, chuẩn bị cho một ngày các con sẽ phá sạch hôn trầm, thùy miên. Mỗi người cũng đều phải phá thôi, chứ không thể nào còn hôn trầm, thùy miên, lười biếng mà mấy con tu đến nơi đến chốn được.

Buộc lòng mấy con phải chiến thắng một lần, một lần phải “chết đi để sống lại”, chứ còn nếu không chết đi thì chúng ta khó sống lại lắm. Nghĩa là mình phải chiến thắng cho được hôn trầm, thùy miên, mà hôn trầm, thùy miên là tâm si của chúng ta. Nếu không thắng được tâm si thì không bao giờ thắng được tâm sân.

Khi mình chiến thắng được tâm si, thì tâm tham, sân cũng bị diệt đi. Cho nên bây giờ chỉ cần có đủ thời gian sống trong trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự, tức là chân lý của Tứ Niệm Xứ, thì Tứ Thần Túc xuất hiện, và xem như mình đã hoàn tất công việc tu hành của mình. Bấy giờ, mình sống chơi vậy thôi, chứ không còn tu tập gì nữa.

Nếu không có Chánh Niệm Tĩnh Giác, nếu không có bốn phương pháp đi kinh hành thì chắc chắn chúng ta không thể thắng được giặc hôn trầm, thùy miên. Nó sẽ đánh chúng ta tan nát hết. Chính nhờ vào pháp đó mà chúng ta thắng được giặc.

Vấn đề này quan trọng vì Chánh Niệm Tĩnh Giác giúp chúng ta tu tập phá được hôn trầm, phá được tâm si, thì tham, sân cũng trở nên rất nhẹ. Đồng thời, nhờ Định Vô Lậu mà tâm chúng ta định tĩnh dễ dàng hơn.

Cho nên, Đức Phật có dạy một câu rất rõ ràng: “Tâm định tĩnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng”.

Khi tâm hết buồn ngủ, hết hôn trầm thì mới thật sự định tĩnh được. Còn nếu vẫn còn buồn ngủ, hôn trầm thì chỉ tỉnh táo được một chút, rồi lại rơi vào lừ đừ, uể oải.

Chính nhờ định tĩnh mà tâm mới trở nên nhu nhuyễn, dễ sử dụng. Ngược lại, khi tâm chưa định tĩnh thì chưa thể nhu nhuyễn, dễ sử dụng. Muốn định tĩnh thì phải hết hôn trầm, thùy miên, chứ không khéo thì không bao giờ hết được.

Cũng như khi ngồi tu Tứ Niệm Xứ, lúc đầu thì định tĩnh, nhưng ngồi một lúc chưa chắc đã giữ được định tĩnh. Khi không định tĩnh thì nó sanh chuyện: muốn đi chỗ này chỗ kia, muốn nhìn chỗ này chỗ kia, tức là nó bị dục. Khi tâm thật sự định tĩnh thì nó không bị dục nữa. Mục đích của định tĩnh là để chúng ta thấy được mình không còn hôn trầm, thùy miên.

Định tĩnh thật sự là phải hoàn toàn hết hôn trầm, thùy miên. Bởi vì hai trạng thái này đối lập nhau: khi hôn trầm, thùy miên hết thì mới có thể định tĩnh. Còn bây giờ mình thấy tỉnh, nhưng thực ra vẫn còn hôn trầm, thùy miên ngấm ngầm, thì chưa phải là hết. Buộc lòng mình phải tiếp tục tu tập để dứt hẳn hôn trầm, thùy miên thì nó mới thật sự định tĩnh. Mà hễ nó thật sự định tĩnh thì nó nhu nhuyễn, dễ sử dụng. Mình muốn nhập định, muốn làm gì thì thân tâm mình sẽ làm theo. Cho nên, mấy con phải cố gắng tu tập.

Một phương pháp khác để rèn luyện tỉnh thức là làm tất cả mọi công việc đều nhắc tâm mình. Ví dụ, khi đang quét sân, đừng để tâm tự động làm mà không biết, mà hãy thường xuyên nhắc tâm: “Quét sân, tôi biết tôi đang quét sân”. Quét được vài ba lần hay năm, mười lần thì nhắc tâm một lần, tức là mình đang tu ngay trong công việc làm.

Hoặc khi đang lái xe hay làm việc gì, mình đều có thể nhắc tâm. Cho nên, mỗi sự việc của mình làm thì nó chậm, nhưng mà chậm trong sự tỉnh thức của mình. Mình làm gì cũng đều tập thói quen tỉnh thức, đó là điều tốt.

Ở đây, các con thấy rằng tất cả các phương pháp tu tập mà Đức Phật dạy đều nhằm giúp chúng ta khéo léo, thiện xảo trong từng phút, từng giây để đối trị với tham, sân, si của chính mình. Phải biết vận dụng cách thức để thắng được cái tâm, cái nghiệp của mình. Vì vậy, trong kinh sách, Đức Phật thường nói đến sự “thiện xảo” trong tu tập. Đó là những điều kiện để mình áp dụng thiện xảo, chứ không phải cố chấp vào lời Phật dạy như vậy thì mình cứ làm như vậy thôi.

Ví dụ như Đức Phật dạy: “An tịnh thân hành, tôi biết tôi hít vào; an tịnh thân hành, tôi biết tôi thở ra” để đối trị khi thân đang bị bệnh đau. Nhưng nếu mình khó thở, hoặc rối loạn hơi thở, thì mình không thể nhiếp tâm trong hơi thở được. Do vậy, mình có thể sử dụng thân hành ngoại, như là đưa cánh tay ra, đưa cánh tay vào – đó chính là sự thiện xảo trong tu tập, chứ không phải cứ phải đợi Đức Phật dạy cụ thể “đưa tay ra, đưa tay vào” mới làm.

Vì cái thân hành hơi thở hít vào, thở ra, thì cũng giống như cánh tay đưa ra, đưa vô. Cho nên, chúng ta thiện xảo thì sẽ đạt được kết quả tu tập rất tốt.

Nhưng như Thầy đã nói, tâm thanh thản, an lạc, vô sự là trạng thái chân lý rồi, nếu mình cố gắng giữ nó, thì bị ức chế, là sai.

Vì vậy, khi tác ý ra thì mình để tâm thanh thản, an lạc, vô sự tự nhiên, rồi mình chỉ quan sát bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp, nếu thấy có chướng ngại thì đẩy lui, mà không có chướng ngại thì để tự nhiên, chứ không phải mình cố gắng giữ nó.

Người ta cố gắng giữ trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự và không cho niệm thiện, niệm ác khởi ra, cho nên đi lạc đường. Nếu mục đích mình làm cho ý thức đừng khởi niệm là sai.

Không quan trọng chỗ có niệm hay không niệm, mà quan trọng là tâm bất động. Mà hễ tâm bất động thì nó thanh thản, an lạc, vô sự, chứ không phải trong đầu chúng ta vắng bặt, không có niệm. Nhưng nó không có niệm bậy bạ, vì vậy mà nó thanh thản, an lạc, vô sự. Bởi vì nó ly dục, ly ác pháp thì nó đâu còn niệm gì nữa. Ngược lại, chúng ta còn dục, còn ác pháp, còn tham muốn, còn thích ăn sang mặc đẹp, mà muốn nó đừng có niệm thì chúng ta bị ức chế mất rồi.

Cho nên, khi còn niệm thì chúng ta biết tâm còn tham, sân, si. Còn hôn trầm, thùy miên, thì chúng ta biết còn hôn trầm, thùy miên, và phải tu tập pháp nào để đối trị.

Nếu còn hôn trầm, thùy miên, mà chúng ta cố gắng để giữ được tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, không cho niệm khởi, rồi cho đó là chân lý, thì đó là ức chế, chứ không phải chúng ta có chân lý thật sự hiện ra.

Người mà có kinh nghiệm tu tập rồi, thì người ta biết cái đó là sai, vì tâm chúng ta còn tham, sân, si, mà lại muốn chứng đạt chân lý thì không thể được. Còn tâm chúng ta hết tham, sân, si, thì chân lý hiện tiền, nó hiện ra trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự.

Cho nên, mục đích của chúng ta là ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện, là làm sao ly tham, sân, si cho hết, để rồi trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự hiện ra.

Chúng ta tu Định Vô Lậu để đối trị với tâm tham, sân; và tu Chánh Niệm Tĩnh Giác để đối trị tâm hôn trầm, thùy miên, tức là tâm si. Nhờ vậy mà cuối cùng chúng ta diệt được tâm tham, sân, si và đạt được chân lý không tham, sân, si.

Chúng ta biết đây là chân lý thanh thản, an lạc, vô sự, nên mình cố gắng tu tập cho hết tham, sân, si. Khi tâm không còn tham, sân, si thì trạng thái chân lý đó hiện tiền. Chúng ta không có ham muốn trạng thái đó, mà mục đích là chúng ta đối trị cho hết tâm tham, sân, si, thì trạng thái đó là chân lý, chứ không gì hết.

Như vậy, chúng ta biết rõ con đường đi, phải diệt tham, sân, si để đạt được cái này, chứ không phải diệt ý thức để đạt được cái này, như cách hiểu sai của giáo pháp phát triển. Vì vậy mà họ không làm chủ được, còn trái lại chúng ta làm chủ được đời sống của mình…

THÔNG TIN TÁC GIẢ

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Xem thêm

Lớp Chánh Kiến – Buổi 11: Tổ chức khất thực – Đường đi nhân quả con người (nam)

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Đầu tiên chúng ta giới thiệu về đường đi nhân quả của con người xuất phát từ ba nơi thân, khẩu, ý. Sau đó, chúng ta sẽ đi sâu vào từng phần rất rộng rãi, mênh mông. Nếu hiểu và triển khai được, thì tất cả hành động của chúng ta sẽ trở thành thiện, không còn ác nữa, tâm trở nên thanh tịnh, tức là ly dục ly ác pháp.

Lớp Chánh Kiến – Buổi 10: Trung Tâm An Dưỡng – Nhận xét bài làm nhân quả (Nữ)

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Khi học về nhân quả rồi mấy con mới thấy và suy ngẫm về thân phận của con người sinh ra trong nhân quả, luôn luôn bị chi phối từng phút giây. Nếu chúng ta không chủ động được, thì nhân quả sẽ lợi dụng lòng ham muốn mà đẩy chúng ta đi biệt mù, không bao giờ có thể tìm được con đường trở về với sự giải thoát thật sự.
0
Tổng 0 lượt bình luận
Chưa có bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN

THÔNG TIN BỔ SUNG

  • Tác giả

    Trưởng lão Thích Thông Lạc

  • Đối tượng

    Tu sinh lớp Chánh kiến

  • Chuyển ngữ bởi

    Thư viện Thầy Thông Lạc

  • Xuất bản tại

    Thư viện Thầy Thông Lạc

  • Thời gian

    13/11/2005

  • Khổ giấy

    13x20,5 cm

  • Số trang

    67

  • Thể loại

    Giáo án

  • Dữ liệu

    File pdf, epub

  • Ngôn ngữ

    Tiếng Việt

  • Phù hợp cho

    Máy tính, máy tính bảng, smartphone